Nhiệt độ tăng cao có thể khiến cá gặp phải nhiều vấn đề sức khoẻ. Dưới đây là các biện pháp phòng bệnh cho cá mùa nóng bà con nên tham khảo.
1. Các biện pháp chăm sóc cá nuôi và phòng bệnh cho cá mùa nắng nóng
Theo khuyến cáo của các chuyên gia về chăn nuôi thuỷ sản, để chăm sóc cá nuôi trong mùa nóng cần thực hiện những biện pháp sau:
* Đối với các trại sản xuất giống thủy sản
– Với ao nuôi cá bố mẹ cần bổ sung nước thường xuyên cho ao nuôi, đảm bảo số lượng nước, chất lượng nước; có thể làm mái che khung bằng kim loại, rồi phủ lưới đen lên trên để giảm ánh nắng chiếu trực tiếp xuống ao nuôi làm ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn cá bố mẹ; tăng cường công tác phòng bệnh vào thời điểm nắng nóng.
– Với ao ương đảm bảo bổ sung nước thường xuyên; chăm sóc và quản lý tốt các ao ương cá giống; tính toán mật độ nuôi phù hợp; khuyến khích dùng các chế phẩm sinh học xử lý môi trường; định lượng thức ăn hàng ngày cho từng đối tượng nuôi, điều chỉnh lượng thức ăn theo diễn biến thời tiết, tránh dư thừa thức ăn, gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến chất lượng cá giống. Những ngày nắng nóng không nên kéo cá vào bể ép, xuất bán hay vận chuyển cá giống.
* Đối với nuôi cá trong ao, hồ nhỏ
Duy trì mực nước trong ao từ 1,5- 2m trong suốt mùa hè, đồng thời thả bèo tây trên mặt ao chiếm khoảng 1/3 diện tích để làm chỗ trú cho cá. Nâng cao sức khỏe đàn cá trong ao. Sử dụng các loại thức ăn chất lượng cao, thường xuyên bổ sung các loại vitamin, khoáng chất vào thức ăn liều lượng 3-5g/100kg cá/ngày để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi. Giảm khẩu phần cho ăn xuống khoảng 50-60% vào những ngày nắng nóng có nhiệt độ nước trên 35oC.
* Đối với nuôi cá lồng bè
Thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ và thông thoáng để lưu thông nước trong và ngoài lồng; kiểm tra, tu sửa lại lồng nuôi, bảo đảm lồng vững chắc, cần hạ thấp lưới lồng xuống, đối với lồng lưới cần phải đậy nắp lồng để tránh thất thoát. Đảm bảo độ sâu của lồng luôn ở mức 2,5-3m. Dùng vôi bột cho vào túi vải treo ở các góc lồng nuôi để phòng bệnh cho cá.
2. Một số biện pháp phòng bệnh cho cá mùa nắng nóng khi bắt đầu nuôi
– Bà con cần phải chọn mua con giống khoẻ mạnh và có nguồn gốc rõ ràng được kiểm dịch bởi các cơ quan chức năng. Cần thả giống với mật độ hợp lý, tuân thủ lịch thời vụ do Sở NN&PTNT ban hành. Cần loại bỏ những con giống yếu, con giống bị bệnh ra khỏi ao nuôi.
– Bà con nên sử dụng các loại thức ăn đảm bảo chất lượng và phù hợp với từng đối tượng nuôi; không nên sử dụng các loại thức ăn đã ươn thối, ẩm mốc hoặc đã hết hạn sử dụng.
– Cần cho ăn đúng liều lượng và đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Nếu nhiệt độ cao trên 36 độ C kéo dài có thể giảm 50% lượng thức ăn, những ngày cá bị nổi đầu nặng có thể dừng cho cá ăn 2-3 ngày liền. Thường xuyên kiểm tra, vớt bỏ thức ăn thừa trong ao nuôi và địa điểm cho ăn.
– Quản lý tốt các yếu tố môi trường nuôi tốt, duy trì ở ngưỡng thích hợp trong quá trình nuôi. Cụ thể:
+ Luôn luôn đảm bảo mực nước trên 1m, đặc biệt trong mùa nắng nóng mực nước càng sâu, môi trường sống càng ổn định. Mực nước lý tưởng nhất là 1,5m. Màu nước duy trì màu xanh lá cây pha nâu, nâu vàng hoặc xanh lá chuối non.
+ Độ trong của nước nuôi thuỷ sản chủ yếu phụ thuộc vào mật độ của sinh vật phù du có trong ao. Khi độ trong quá thấp, thường do tảo phù du phát triển quá dày, làm các chỉ số pH, hàm lượng oxy hoà tan (DO) biến động rất lớn gây sốc cho thuỷ sản nuôi trong ao. Ngược lại, khi độ trong cao, DO thường thấp và tảo đáy có nguy cơ bùng phát mạnh, cạnh tranh không gian hoạt động và oxy về ban đêm, gây sốc cho tôm, cá. Độ trong nước ao nuôi nên duy trì từ 40-60cm trong vòng 2 tháng đầu. Đến tháng thứ 3 trở đi, duy trì độ trong từ 35-45cm.
DO: Vào mùa hè, nhiệt độ cao hoạt động của vi sinh vật phân huỷ hợp chất hữu cơ trong nước diễn ra nhanh, kèm theo tiêu hao nhiều oxy hoà tan trong nước kết hợp với tiêu hao oxy của thuỷ sản dẫn đến thiếu oxy trong nước làm cho thuỷ sản bị nổi đầu, thời điểm nặng nhất vào 4-6 giờ sáng. Do vậy, cần chủ động tăng cường oxy hoà tan vào nước ao nuôi bằng cách: Bơm nước mới vào ao; dùng máy sục khí, quạt nước vào thời điểm từ 4-6 giờ sáng.
– pH: Duy trì pH nước trong khoảng 7,5-8,5. Nếu pH thấp hơn hoặc cao hơn, thay nước và bón vôi sống (CaCO3), vôi Dolomite (CaMg(CO3)2) với tỷ lệ 150-300kg/ha. Ngay sau khi thời mưa to, cần bón vôi xuống ao, rắc vôi dọc theo bờ ao.
Chủ động phòng bệnh cho từng đối tượng cá nuôi, không lạm dụng thuốc và chỉ dùng các loại thuốc, chế phẩm xử lý cải tạo môi trường thuỷ sản có trong danh mục của Bộ NN&PTNT.
Trên đây là những thông tin giải đáp về các biện pháp phòng bệnh cho cá mùa nóng. Bà con muốn được được tư vấn thêm về các dòng sản phẩm chuyên dùng cho tôm xin hãy liên hệ ngay với Công ty TNHH Thuỷ sản Liên Việt qua Hotline: 0917.938.618.
———————–
Công ty TNHH Thuỷ Sản Liên Việt – là công ty sản xuất – kinh doanh – xuất nhập khẩu các sản phẩm chuyên dùng trong ngành nuôi trồng thủy sản từ những tập đoàn lớn trên thế giới. Sản phẩm của chúng tôi được tin dùng bởi các Nhà phân phối, farm lớn trên khắp cả nước.
Địa chỉ: Lô đất CN1B-1, KCN Quế Võ III, Xã Việt Hùng, Huyện Quế Võ, Tỉnh Bắc Ninh
Hotline: 0917.938.618
Email: thuysanlienviet@gmail.com
Website: thuysanlienviet.com.vn